Âm Nhạc Trong Hồi Giáo

Trong đạo Hồi, không có quy tắc chung nào về vấn đề nghe nhạc; thay vào đó các thước đo, giới hạn và nguyên tắc được xác định. Trong một số trường hợp, theo những nguyên tắc này, lệnh cấm đối với âm nhạc được nêu ra, trong khi ở một số trường hợp khác âm nhạc không bị xem là điều gây hại.

Âm nhạc được thực hiện với việc sử dụng giọng nói và nhạc cụ. Âm nhạc có tác động đến trái tim (cảm xúc) cũng như gây lôi cuốn đôi tai bằng giọng hát, nhạc cụ hoặc kết hợp của cả hai. Quy định về âm nhạc cũng thay đổi theo nội dung và tác động của những âm thanh này. Mặc dù âm nhạc có thể tạo ra cảm giác cao cả và thiêng liêng, nó cũng có thể lôi kéo một người vào tâm trạng dẫn đến tội lỗi và sự nổi loạn.

Nếu một bản nhạc nhắc nhở về Allah, khuyến khích mọi người theo đạo, tăng cường tình yêu thương đối với Sứ giả của Allah, mang lại bình yên cho người nghe và không chứa bất kỳ từ ngữ hoặc nội dung nào có thể dẫn đến haram, thì không có vấn đề gì trong việc chơi nhạc và thưởng thức nó. Nhà tiên tri Muhammed (SAWS) khuyên nên chơi trống lục lạc trong lễ nikah[1]. Tương tự như vậy, ông không phản đối việc phụ nữ thưởng thức những bữa tiệc bằng cách chơi trống lục lạc và hát với nhau trong những ngày lễ[2].

Nếu bản nhạc được trình diễn có chứa thuyết đa thần và sự nổi loạn chống lại Allah, hay truyền đạt nội dung trái với những giáo lý cơ bản của đạo Hồi hoặc khuyến khích haram, nếu nó khiến con người tuyệt vọng và bất hạnh về những vấn đề trần tục, thì âm nhạc này bị cấm đối với cả người sáng tác và người nghe. Trong bài hát được hát ở một đám cưới, “Có một nhà tiên tri ở giữa chúng ta, người biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai.” Nhà tiên tri Muhammed (SAWS) khi nghe được lời bài hát này đã cảnh báo không phải về bài hát mà về từ ngữ trong đó “Chỉ có Allah mới biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai.”.[3] Hơn thế nữa, nếu môi trường nơi chơi/nghe nhạc là chốn kích khích tội lỗi và khiến con người đi đến haram, thì đây cũng là một điều không thể được chấp nhận được trong đạo Hồi.

Ngay cả khi nội dung của bản nhạc không mâu thuẫn với tôn giáo, có những tiêu chí nhất định. Đó là việc âm nhạc này không ngăn cản con người hoàn thành trách nhiệm của mình đối với Allah, không gây lãng phí thời gian, không chiếm phần lớn thời gian trong ngày và không ngăn cản họ hoàn thành nghĩa vụ thờ phượng.

Nhìn chung, không đúng khi nói rằng âm nhạc trong đạo Hồi là hoàn toàn halal[4] hoặc haram[5]. Âm nhạc là một chủ đề không tuân theo một quy tắc nào, nội dung của nó được xác định tùy theo tình huống và môi trường. Imam Ghazali, một trong những học giả Hồi giáo, xem xét âm nhạc dưới ba tiêu đề chính là haram, makruh và mubah, và diễn đạt nó như sau:

“Đối với những người chứa đầy ham muốn trần tục và những cảm xúc dâm dục, chỉ những âm thanh kích động những cảm xúc này là haram (bị cấm).

Đối với một người dành phần lớn thời gian của mình cho nó và biến nó thành thói quen bận rộn thì đó là makruh (tôn giáo coi là điều xấu).

Đối với một người tràn đầy tình yêu của Allah và giọng ca tuyệt vời mà người đó nghe thấy chỉ khơi dậy những thuộc tính đẹp đẽ trong lòng thì đó là mustahabb (được chấp nhận về mặt tôn giáo).”[6]

Cùng với tất cả những điều này, cần phải nhớ rằng khi Allah tạo ra vũ trụ, Ngài cũng tạo ra sự hài hòa từ âm thanh và Ngài ban cho tạo vật loài người một đặc điểm có thể cảm thấy thích thú sự hài hòa của âm thanh này. Theo đó, Allah ban cho việc đọc kinh Quran một chuỗi âm thanh hài hòa. Trong suốt nhiều thế kỷ, người Hồi giáo đã đào tạo nhiều nhà soạn có trình độ và thêm nhịp điệu âm nhạc vào việc đọc Adhan và kinh Quran .

Đồng thời, âm nhạc là một trong những bằng chứng về sự tồn tại và sự duy nhất của Allah. Allah, Đấng tạo ra vô số cảnh vật, màu sắc trong vũ trụ và duy trì sự hài hòa giữa chúng, Ngài đã tạo ra đôi mắt của con người để cảm nhận và thưởng thức chúng. Một sự hài hòa giống như chìa-ổ khóa, trong cõi hiện hữu là sự hài hòa giữa đôi tai con người và âm thanh, nhịp điệu. Các điều trên cho thấy rằng mắt và cảnh vật, tai và âm thanh là tác phẩm của một Đấng Tạo Hóa Tối Cao duy nhất.


[1] Tirmizî, Nikâh, 6

[2] Müslim, Îydeyn, 17

[3] Buhari, “Nikah”, 49; Tirmizi, “Nikah”, 6

[4] Halal: Được chấp nhận về mặt tôn giáo

[5] Haram: Bị cấm về mặt tôn giáo

[6] İhyâ, II/279-81