HomeCác nhà tiên tri khácTại Sao Người Hồi Giáo Lại Có Đức Tin Vào Tất Cả...

Tại Sao Người Hồi Giáo Lại Có Đức Tin Vào Tất Cả Các Nhà Tiên Tri?

Các nguyên tắc cơ bản của đức tin trong Hồi giáo được Nhà tiên tri Muhammed (SAWS) liệt kê như sau “Đó là đức tin của các ngươi vào Allah, vào các thiên thần của Ngài, sách của Ngài, vào các nhà tiên tri của Ngài và Ngày đời sau, và cả niềm tin của các ngươi vào định mệnh, điều thiện và điều ác.” [1] Có thể thấy rằng “nhà tiên tri” không phải số ít, mà được diễn đạt dưới dạng số nhiều “các nhà tiên tri”, qua đó việc tin tưởng vào các nhà tiên tri cũng là một yêu cầu của Hồi giáo.

Lịch sử nhân loại bắt đầu với Nhà tiên tri Adam (AS). Trong mọi thời kỳ, các sứ giả được phái đi mời gọi các cộng đồng tuân theo mệnh lệnh và tránh vi phạm điều cấm của Allah, những sứ giả này được chọn trong số tất cả mọi người. [2] Trong mọi thời kỳ Allah gửi các quy tắc tương tự nhau liên quan đến vấn đề tín ngưỡng và thờ phụng. Tuy nhiên, các phương pháp truyền đạt được dạy và những phép màu được ban cho các nhà tiên tri là khác nhau tùy theo sự hiếu kỳ và quan tâm của xã hội.

Có đến 25 tên của các nhà tiên tri được đề cập trong Quran. Theo Nhà tiên tri Muhammed (SAWS), ngoài những người được đề cập trong Kinh Quran, có nhiều nhà tiên tri khác đã được gửi đến và nhân loại chưa bao giờ bị bỏ mặc một mình. [3] Những câu chuyện về các nhà tiên tri tạo thành một phần quan trọng của Kinh Quran. Việc tường thuật những câu chuyện này có tầm ảnh hưởng không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn phản ánh những nguyên tắc cơ bản mà mọi người ở mọi thời đại đều có thể học hỏi khi đọc qua. Chính vì vậy, con người dù sống trong thời kỳ nào cũng cần đến những bài học và kinh nghiệm rút ra từ những câu chuyện của các nhà tiên tri. [4] Ngoài ra, những người Hồi giáo khi đọc về cuộc đời của các nhà tiên tri trong Kinh Quran, sẽ nhớ đến các nhà tiên tri đời trước đó với sự tôn trọng và lấy họ làm ví dụ, đồng thời đưa họ vào các lời cầu nguyện của bản thân.

Mỗi nhà tiên tri có những đặc điểm khác nhau. Mỗi người trong số họ đối mặt với những thử thách rất khác nhau. Ví dụ, Nhà tiên tri Ayyub (AS) được thử thách bởi bệnh tật [5], Solomon (Sulaiman) (AS) với sự giàu có [6], Abraham (AS) với sự quy phục của bản thân [7]. Các nhà tiên tri, những người đã trải qua nhiều thử thách khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đã nêu gương cho cả ummah (cộng đồng) của chính họ và cho các ummah tiếp theo. Ta có thể thấy được qua cuộc đời của những vị tiên tri này thái độ nào sẽ được thể hiện bởi những người đời sau khi đối mặt với thử thách.

Nhắc về các nhà tiên tri khác, Nhà tiên tri Muhammed (SAWS) nói, “Tổ tiên của chúng ta là một, chúng ta là anh em khác cha mẹ. Tôn giáo của chúng ta là một duy nhất. ”[8] Ông cũng giải thích mối quan hệ giữa các nhà tiên tri với ví dụ sau đây; “Tấm gương của tôi và các tiên tri khác trước tôi cũng giống như tấm gương của người này: Người đã xây một ngôi nhà hoàn hảo và đẹp đẽ, chỉ một nơi còn sót chỗ trống của một viên gạch nung ở một trong các góc. Người dân bắt đầu dạo quanh nhà trong lòng thán phục và (khi thấy chỗ trống bị bỏ sót đó) họ nói: “Sẽ không có viên gạch nào lắp vào chỗ bị sót trống này sao?”. Tôi đây là viên gạch ấy, tôi là người cuối cùng trong số các nhà tiên tri. ”[9]


[1] Buhârî, İman 1; Müslim, İman 1
[2] Araf/35
[3] Nahl/36, Fatır/24,  Ahmed b. Hanbel, el-Müsned 5/265-266
[4] Yusuf/7, Ankebut/24
[5] Enbiya/ 83
[6] Sad/30-40
[7] Bakara/124
[8] Buhârî, Enbiyâ, 48
[9] Buhari, Menakıb 18; Müslim, Fedail 21

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here